Thành công hay thất bại? Do tư duy của bạn quyết định cả! (Phần 3)
THÀNH CÔNG hay THẤT BẠI?
Do TƯ DUY của bạn quyết định cả!
Phần 3 trong một sê-ri 6 bài viết sẽ giúp cha mẹ hiểu được nhân tố quan trọng của thành công
Câu hỏi: Làm sao để nuôi dưỡng TƯ DUY PHÁT TRIỂN cho con em chúng ta?
Đúng là bạn hoàn toàn có thể lựa chọn tư duy của bạn vì đó chẳng qua chỉ là cách chúng ta nghĩ, những điều chúng ta tin, những niềm tin có sức mạnh to lớn nhưng nó cũng chỉ là sản phẩm của cách nghĩ của chúng ta và chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được tư duy của mình.
Tất cả trẻ em được sinh ra đều ham thích tìm hiểu thế giới xung quanh, đều ham muốn học hỏi, vậy thì tại sao một số trẻ lớn lên vẫn giữ được niềm ham thích học hỏi đó trong khi những trẻ khác lại không còn hào hứng với kiến thức nữa? Thủ phạm ở đây chính là Tư duy Cố hữu!
Một số trẻ lớn lên trở nên sợ những thách thức mới, sợ bị chê trách khi làm sai, trong khi những trẻ khác không lo lắng về thất bại và thậm chí không sợ bị mọi người chê cười. Quá trình hình thành quan niệm của trẻ về trải nghiệm bắt đầu ngay từ những ngày đầu khi trẻ bắt đầu biết giao tiếp với gia đình và nó sẽ tiếp tục cho đến khi trẻ đi nhà trẻ và học những bậc học cao hơn.
Bị tác động bởi những quan điểm của người lớn trong môi trường học tập, một số trẻ nhanh chóng hiểu ra rằng việc mắc sai lầm là không thể chấp nhận được, trong khi những trẻ khác được dạy dỗ trong một môi trường học tập coi việc làm sai và sửa sai đơn giản chỉ là một quá trình giúp trẻ giỏi hơn, do đó chúng sẽ rất hào hứng khám phá những cách làm đúng. Thày cô giáo và người lớn xung quanh trẻ cho phép trẻ được phạm lỗi và học hỏi từ chính các lỗi đó.
Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể giúp con em mình nuôi dưỡng một Tư duy Phát triển và tránh Tư duy Cố hữu mà phần lớn xuất phát từ quan điểm của chính chúng ta, đặc biệt khi liên quan đến thành tích học tập của trẻ? Hãy tìm hiểu những cách thức giúp người lớn chúng ta thay đổi tư duy của mình, bởi trước khi chúng ta có thế ảnh hưởng đến trẻ, chúng ta cần điều chỉnh bản thân mình trước với một tư duy cởi mở, sẵn sàng đón nhận những thách thức mới, không ngại công nhận những sai lầm của mình, sẵn sàng vấp váp để học hỏi và coi đó là yếu tố tất yếu trên con đường dẫn đến thành công.
Hình ảnh sưu tầm từ Internet
Sau đây là 12 bước quan trọng để giúp chúng ta nuôi dưỡng một tư duy phát triển cho chính chúng ta và cho con em chúng ta.
Bước 1: Luôn nhớ rằng học tập là một quá trình thực hành, là những gì chúng ta làm, chúng ta trải nghiệm để khám phá kiến thức, chính vì thế quá trình học tập không đòi hỏi một sự hoàn hảo. Tư duy Phát triển cho rằng chúng ta nên đề cao quá trình chúng ta học tập hơn là đi tìm kiếm một sự hoàn hảo, nên quan tâm đến con đường đi đến chứ đừng chú ý nhiều đến cái đích cuối cùng, vì quá trình học tập sẽ đồng hành cùng chúng ta trong suốt cuộc đời chứ không phải là những cái đích ngắn hạn trong từng thời điểm.
Bước 2: Cũng như việc trường SenTia được xây dựng trên bốn trụ cột là Tình yêu thương (Care), nuôi dưỡng Trí tò mò (Curiosity), vượt qua Thử thách (Challenge) và hình thành Nhân cách (Character), Tư duy phát triển được xây dựng trên niềm tin rằng: Tất cả chúng ta đều có khả năng học tập!
Vậy phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta đều có những năng lực như nhau, đều thành công như nhau và nếu chúng ta chăm chỉ chúng ta có thể đạt thành tích cao như nhau trong tất cả các lĩnh vực học tập?
Không phải là như vậy, chúng ta đều là những cá thể mang những đặc tính rất riêng, có những thế mạnh riêng, có niềm hứng khởi và tài năng trong những lĩnh vực khác nhau. Dù con bạn có giống bạn đến đâu thì con bạn vẫn là một cá thể riêng biệt. Nhưng chúng ta đều có tiềm năng học tập, phát triển và đạt thành tích của chính mình trong bất kỳ lĩnh vực nào mà chúng ta quan tâm.
Bước 3: Dù ở lứa tuổi nào, bộ não của chúng ta cũng giống y như các khối cơ khác trên cơ thể, càng được luyện tập bao nhiêu thông qua việc vượt qua các thử thách thì chúng sẽ càng trở nên dẻo dai bấy nhiêu và sẽ có khả năng đối phó với những thách thức lớn hơn nữa. Bạn và con bạn đều có những tiềm năng to lớn cần được khám phá vì bộ não của con người là không ngừng thay đổi, bất kể tuổi tác. Hãy khám phá tiềm năng bộ não của bạn bằng Tư duy Phát triển, bằng việc sẵn sàng vượt qua các thử thách trong quá trình học hỏi.
Bước 4: Rõ ràng rằng khi bị chi phối bởi Tư duy Cố hữu, các thử thách trong quá trình học tập sẽ trở thành những căng thẳng. Cha mẹ và trẻ đều lo “Nếu làm sai thì sao? Liệu mình có bị đánh giá là kém không? Mọi người có nghĩ mình dốt không?”
Nếu chúng ta hay con chúng ta nuôi dưỡng một Tư duy Phát triển, chúng ta cần phải tin rằng môi trường học tập của mình cho phép việc mạo hiểm rủi ro, rằng chúng ta được phép thử những gì chưa chắc đã thành công. Chúng ta cần xây dựng một môi trường học tập KHÔNG ĐỊNH KIẾN, KHÔNG ÁP ĐẶT, KHÔNG PHÁN XÉT, nơi trẻ cảm thấy mình là một thành viên được trân trọng của gia đình, nhà trường và xã hội, và nơi trẻ KHÔNG phải chịu áp lực phải cố gắng đạt được sự hài lòng và công nhận của người lớn bằng những thành tích học tập không ngừng.
Nếu chúng ta và con em chúng ta cảm thấy thoải mái trong môi trường học tập, cảm thấy được khuyến khích trải nghiệm và khám phá, nếu như các em được nuôi dưỡng một Tư duy Phát triển, thì việc học tập sẽ trở thành những trải nghiệm thú vị và những thành tích đạt được trên con đường khám phá kiến thức đầy hứng khởi đó chỉ là chuyện đương nhiên sẽ đến mà thôi.
Tại phần 4, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ với quý vị những bước nhỏ tiếp theo để xây dựng một Tư duy Phát triển.
Hẹn gặp lại Quý vị!
Tiến sỹ Trevor
* Hình ảnh trong bài viết: Sưu tầm từ Internet
THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 1)
THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 2)
THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 4)
THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 5)