Thành công hay thất bại? Do tư duy của bạn quyết định cả! (Phần 5)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI?
Do TƯ DUY của bạn quyết định cả!

Phần 5 trong một sê-ri 6 bài viết giúp cha mẹ hiểu được nhân tố quan trọng của thành công

thành công

Câu hỏi: Bạn đã thực hành qui tắc POP chưa? Bạn có câu hỏi nào sau phần 4 không? Bạn có nhớ tránh khen năng lực cá nhân của trẻ và tiếp tục nuôi dưỡng Tư duy Phát triển của bạn và của con của bạn không?

Bây giờ chúng ta hãy đến với bốn bước thang cuối cùng trong chuỗi 12 bậc thang dẫn đến việc học tập và phát triển bền vững nhé!

Bước 9: Xin đừng nhầm lẫn câu “không biết” và “chưa biết”!  Nếu bạn nghĩ là bạn “phải biết” thì bạn sẽ rất lo ngại bị người khác đánh giá là kém cỏi, và với trẻ cũng y như vậy.

Nếu chúng ta chỉ làm một thay đổi nhỏ, thay từ “không” bằng từ “chưa” vào trong đầu chúng ta, chúng ta sẽ nhận ra mình đang trên con đường học hỏi kiến thức và đang nỗ lực không ngừng để tìm kiếm sự phát triển kiến thức và kỹ năng của mình. Do đó từ “chưa” không có nghĩa là thất bại mà nó đơn giản chỉ nói lên rằng điều đó sẽ xảy ra nhưng tôi cần nỗ lực thêm một chút, đầu tư thêm thời gian một chút, cố gắng bền bỉ hơn một chút rồi tôi sẽ chuyển được trạng thái từ “chưa biết” thành “bây giờ tôi đã biết” và sẽ lại tiếp tục chuyển sang giai đoạn học tập và phát triển tiếp theo của mình.

Bước 10: Không phủ nhận rằng mỗi chúng ta đều có một sự pha trộn của cả Tư duy Cố hữu và Tư duy Phát triển. Chỉ có điều nhiều người đã cho phép Tư duy Cố hữu của mình hầu như thắng thế, họ luôn cảm thấy áp lực bị cả thế giới phán xét bản thân họ và con cái họ. Tư duy Cố hữu đã ngăn cản sự phát triển và thay đổi của chúng ta, trong khi đó Tư duy Phát triển lại là sự khởi động cho một sự thay đổi thực sự; Tư duy Phát triển sẽ giúp chúng ta vượt qua sự lưỡng lự ngại ngần vì sự thôi thúc mong muốn phát triển mà nó mang tới.

Việc hiểu được sự tồn tại của cả hai loại tư duy sẽ giúp chúng ta giảm được tác động của Tư duy Cố hữu bằng cách tự bảo mình – đúng vậy, chúng ta có thể tự đối thoại với bản thân và tự nhủ rằng thất bại không nói lên giá trị của chúng ta, mà đó chỉ là điều tất yếu trong quá trình chinh phục những hiểu biết mới. Chúng ta không cần phải coi mình là thất bại.

Và chúng ta cũng cần phải giúp con mình biết cách tự nói chuyện với nội tâm của chúng, giúp con tránh lo sợ khi thày cô giới thiệu những kiến thức mới, những câu hỏi mới mà con cần phải hiểu và biết cách giải quyết vấn đề. Trẻ chỉ có thể hào hứng học khi trẻ biết rằng chúng sẽ không bị chê trách khi chúng phạm lỗi, rằng người lớn chúng ta hiểu rằng trẻ làm sai cũng là một cách thử nghiệm kiến thức mới để chúng thực sự hiểu và học được những kỹ năng mới.

Bước 11: Tất cả những sự thay đổi tư duy này sẽ rất mất thời gian, rất nhiều năng lượng, và cả sự bền bỉ của bạn nữa. Bạn đừng quên cho phép bạn và con của bạn thời gian để tự nhìn nhận mình, tự phản ảnh, tự thư giãn một chút để lấy thêm năng lượng mới. Không ai có thể lúc nào cũng bắt mình phải nỗ lực tối đa mà không dành ra chút thời gian để nhìn lại xem mình đã tiến được bao xa, để có thể tự vỗ tay khích lệ mình và cho phép trí não của mình đươc nạp thêm năng lượng mới.

Stephen Covey, người đã dành rất nhiều năm để phát triển một công thức mà ông gọi là 7 Thói quen của Người Thành đạt, đã khuyên chúng ta rằng chúng ta nên tự chăm sóc cho tinh thần của mình bằng môt kỹ năng ông gọi là “Mài lưỡi cưa”. Ông cho rằng chúng ta không thể cứ sử dụng lưỡi cưa mãi mà không thỉnh thoảng mài lại nó. Nếu không thì dù bạn có cố gắng đến đâu đi nữa thì lưỡi cưa của bạn cũng chẳng thể làm việc một cách hiệu quả. Lưỡi cưa của bạn có thể tạo ra đầy nhiệt lượng, thậm chí bốc khói hay làm cho đồ vật mà chúng ta cưa bị bốc lửa thì nó vẫn không giải quyết được vấn đề nó cần làm. Nó chỉ làm phá huỷ những gì nó định làm mà thôi.

 Tất cả những ai đang cố gắng học hỏi để hoàn thiện mình cần dành cho mình thời gian để nghỉ ngơi, để nhìn lại những nỗ lực của mình và để có thêm niềm vui và năng lượng bước tiếp.

Bước 12: Chúng ta đã đi tới bậc thang cuối cùng, mỗi bước đi đều quan trọng và chúng hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra một điều kỳ diệu – đó chính là Tư duy Phát triển.

Bậc thang cuối cùng này có thể đem lại chút thất vọng vì chúng ta đều muốn có sự khởi đầu và kết thúc đối với tất cả những gì chúng ta làm, nhất là khi chúng ta học một cái gì đó. Bước cuối cùng là sự thừa nhận rằng con đường đi đến Tư duy Phát triển sẽ không bao giờ kết thúc.

Đừng quên rằng chúng ta đều có cả hai loại tư duy trong mình và rằng những gì chúng ta đang cố gắng trên thực tế chỉ là việc chúng ta cố tránh xa những thứ tiêu cực do Tư duy Cố hữu đem lại, nhưng chúng ta cũng cần phải ý thức rằng đôi lúc chúng ta cũng sẽ quay lại với Tư duy Cố hữu, vì đó chính là một phần bản chất của con người. Sự khác biệt sẽ nằm ở chỗ chúng ta ý thức được mình đang bị Tư duy Cố hữu chi phối và vì ý thức được nên chúng ta sẽ tìm cách thoát khỏi nó và đưa bản thân trở lại con đường phát triển. Chúng ta nhận ra rằng đôi lúc Tư duy Cố hữu sẽ xuất hiện như một phản xạ tự nhiên, nhưng chúng ta hiểu mình không còn muốn sống trong sự chi phối của nó nữa.

Xây dựng và thực hành những kỹ năng này sẽ  giúp chúng ta có thể sống một cuộc đời của một người luôn hào hứng với những tri thức mới và không ngừng mở rộng sự hiểu biết của mình và phát triển. Nhìn bạn, con của bạn sẽ muốn bước theo con đường khám phá tri thức đầy thú vị cùng với bạn. Và khi chúng lớn lên, chúng sẽ tiếp tục con đường riêng của chính mình và sẽ lại dìu dắt con của chúng đi cùng trên con đường tuyệt diệu đó. Cùng nhau, chúng ta sẽ tạo một sự khác biệt to lớn!

Trong phần 6, tôi sẽ tóm tắt lại những gì chúng ta đã chia sẻ.

Hãy cùng nhau trải nghiệm con đường học tập và phát triển!

Tiến sỹ Trevor

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 1)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 2)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 3)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 4)