Thành công hay thất bại? Do tư duy của bạn quyết định cả! (Phần 4)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI?
Do TƯ DUY của bạn quyết định cả!

Phần 4 trong một sê-ri 6 bài viết giúp cha mẹ hiểu được nhân tố quan trọng của thành công 

thành công

Câu hỏi: Liệu chúng ta có phải triển khai các bước theo đúng một trình tự để nuôi dưỡng Tư duy Phát triển cho trẻ không?

Trả lời: Không, bạn có thể áp dụng bất cứ bước nào tuỳ theo nhu cầu thực tế để trẻ dần dần hình thành Tư duy Phát triển. Tất nhiên cũng như những bậc thang, bạn có thể dừng lâu hơn tại một bậc thang nào đó tuỳ theo nhu cầu của bạn hoặc cũng có thể quay lại bậc thang đã đi qua, cốt sao cho nó thực sự trở thành một phần của bạn.

Và bây giờ, chúng ta hãy tiếp tục những bậc thang tiếp theo nhé!

Bước 5: Mặc dù bạn có thông thái đến đâu thì vẫn còn rất nhều điều trên đời mà bạn chưa từng biết đến. Cả tôi cũng vậy, tôi đã từng dành rất nhiều năm trong trường đại học để học tập và nghiên cứu, nhưng càng học nhiều tôi càng nhận ra còn rất nhiều thứ thú vị trên đời mà mình chưa biết. Cho đến giờ, ở tuổi gần 70 tôi vẫn thấy một sự hào hứng với kiến thức mới.

Sẽ rất tốt cho bộ não của bạn nếu bạn luôn cố gắng học hỏi một kiến thức hay một kỹ năng mới nào đó, và nếu bạn thực sự là như vậy thì bạn đang sở hữu một Tư duy Phát triển rồi đấy! Tuy nhiên điều quan trọng không kém là chúng ta phải chọn cho mình những thách thức phù hợp với bản thân, một thách thức đủ khó để buộc chúng ta phải sử dụng bộ não nhưng cũng không quá khó đến mức vượt ngoài khả năng của bạn. Cũng giống như trẻ, nếu khoảng cách giữa thử thách mới và kiến thức của bạn quá lớn, bạn sẽ không có khả năng vượt qua thử thách và sẽ phải đầu hàng, nản chí và có thể sẽ quay trở lại với vùng an toàn của Tư duy Cố hữu.

Hãy để con của bạn thấy cách bạn chinh phục những thử thách mới, để chúng thấy cách bạn tiếp nhận thành công hay thất bại trong quá trình học, chúng sẽ nhận ra rằng để đạt đươc một kỹ năng mới thì cả người lớn cũng cần phải cố gắng, và việc chinh phục thử thách mới thường  không hề dễ dàng, nhưng đó là một phần không thể thiếu được của cuộc sống, của mỗi con người, bất kể tuổi tác.

Bước 6: Chúng ta đều cần sự phản hồi để có thể tiến bộ, để mở rộng Tư duy Phát triển của mình. Thường thì chúng ta tự nhận xét những nỗ lực của mình, mức độ cố gắng của bản thân, nhưng những phản hồi từ những người xung quanh như từ sếp của bạn, từ đối tác và cả con cái của chúng ta có thể rất hữu ích, mang tính xây dựng và giúp chúng ta tiến bộ.

Đối với trẻ, những phản hồi mang tính xây dựng rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên những lời khen ngợi như “Con của mẹ thông minh quá!” có tác dụng rất hạn chế và về lâu dài, nó có thể gây hại đối với trẻ, sẽ làm trẻ ngần ngại trong việc chấp nhận những thử thách có vẻ khó hơn vì sợ bị mất lời khen là thông minh khi không làm được.

Lời khen hiệu quả nhất và có tác dụng tích cực nhất là khen ngợi nỗ lực của trẻ trong quá trình chinh phục thử thách. (“Con làm việc chăm thật đấy! Con rất xuất sắc khi đã cố làm hết khả năng của mình!”). Bạn có thể nhận xét công việc trẻ làm, cách trẻ tổ chức công việc, hay thậm chí khen sản phẩm của trẻ làm ra, nhưng nên tránh gắn cho trẻ những nhãn mác về năng lực cá nhân như thông minh quá, siêu quá.

Tại SenTia, chúng tôi luôn ý thức được qui tắc POP? (Process or Product?)  Điều gì quan trọng hơn? Quá trình hay Sản phẩm?

Nếu muốn việc học tập mang lại một kết quả bền vững, có thể áp dụng với nhiều tình huống mới thì Quá trình (Process) học tập có tầm quan trọng lớn hơn, chứ không phải là Sản phẩm (Product) cuối cùng của một bài tập trong một lĩnh vực nhỏ, cụ thể nào đó.

Vậy hãy luôn nhớ qui tắc POP trong việc xây dựng Tư duy Phát triển:

POP? Process or Product? Process ranks 1st ( POP? Quá trình hay sản phẩm? Quá trình luôn là số 1

POP? Praise Person or Process? Process ranks 1st ( POP? Khen ngợi Cá nhân hay Quá trình?) Quá trình luôn là số 1.

Bước 7: Nếu bạn muốn đạt được điều gì đó, bạn sẽ đặt ra một hay vài mục tiêu nào đó. Nếu bạn muốn đạt được một mục tiêu khá khó khăn, bạn sẽ cần một phẩm chất quan trọng, nôm na gọi là bản lĩnh kiên cường bền bỉ. Hãy thỉnh thoảng chia sẻ với con của bạn những mục tiêu bạn muốn đạt được, và những vấn đề bạn đang phải đối mặt để đạt được mục tiêu đó. Bằng cách đó, trẻ không những học được về sự cần thiết phải đặt ra những mục tiêu để tiến bộ trong bối cảnh cuộc sống thực tế hàng ngày và trẻ sẽ học được cách đặt ra những mục tiêu mang tính thực tế và nhận ra rằng người lớn cũng phải có những nỗ lực bền bỉ để đạt được những mục tiêu đó.

Bước 8: Đừng quan niệm việc phạm lỗi là thất bại. Mắc lỗi chính là cơ hội lớn để học tập.

Những người có Tư duy Cố hữu nhìn nhận những lỗi mắc phải như một sự thất bại trong việc chứng minh năng lực của bản thân, điều mà họ luôn lo ngại sẽ phá hoại sự tự tôn của họ. Ngược lại người có Tư duy Phát triển đơn giản nhìn nhận sai lầm là một lý do tốt để thúc đẩy họ học hỏi thêm, là cơ hội để tìm kiếm sự phát triển không ngừng chứ không phải để chứng minh sự thông minh của họ.

Hãy cùng trẻ thảo luận về những sai lầm của trẻ sao cho trẻ không cảm thấy tiêu cực, mà giúp trẻ hiểu những lỗi sai sẽ là một bước đệm giúp trẻ hiểu thêm về một vấn đề, và không chỉ dừng lại ở đó, hiểu lỗi sai sẽ giúp trẻ hiểu được cách suy nghĩ của trẻ nữa. Hãy coi việc phạm sai lầm đơn giản chỉ là một khó khăn phải vượt qua trên con đường đi đến việc hiểu sâu sắc một chủ đề nào đó.

Sợ phạm lỗi – một điều rất phổ biến ở cả người lớn và trẻ em, tạo cho chúng ta những căng thẳng không đáng có, như thể một cái dây kéo chúng ta lại, ngăn cản chúng ta tiến lên phía trước và chấp nhận rủi ro, cản trở con đường chinh phục kiến thức và phát triển lâu dài. Chính tôi cũng đã trải nghiệm được điều này!

Trong phần 5, tôi sẽ chia sẻ những bước đi cuối cùng để chúng ta và con em của chúng ta cùng sở hữu một Tư duy Phát triển

Tiến sỹ Trevor

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 1)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 2)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 3)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 5)