Thành công hay thất bại? Do tư duy của bạn quyết định cả! (Phần 2)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI?
Do TƯ DUY của bạn quyết định cả!

Phần 2 trong một sê-ri 6 bài viết sẽ giúp cha mẹ hiểu được nhân tố quan trọng của thành công.

Câu hỏi của phần trước : “Nếu như TƯ DUY hay cách nghĩ của bạn có thể quyết định thành công hay thất bại,  thì cụ thể cái gọi là TƯ DUY đó là gì?”

Cách bạn nhìn nhận bản thân mình sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách bạn hành động trong cuộc sống, đến những mục tiêu bạn đề ra và con người bạn sẽ trở thành. Điều này áp dụng cho cả trẻ nhỏ và người lớn! Bạn có thể có TƯ DUY CỐ HỮU hoặc TƯ DUY PHÁT TRIỂNĐúng vậy, chỉ có hai cách nghĩ, hai sự lựa chọn và lựa chọn của bạn sẽ quyết định cuộc sống của bạn.

TƯ DUY CỐ HỮU là quan niệm cho rằng bạn sinh ra đã ở một mức độ thông minh nào đó và bạn luôn muốn chứng tỏ mình thông minh ở mức độ đó và luôn cố gắng tránh mắc lỗi hay thất bại vì lo ngại việc mắc lỗi sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của mình. “Phải tỏ ra thông minh! Đừng có trông như đồ ngớ ngẩn ấy!” Lúc nào cũng lo lắng “không biết mọi người có nghĩ mình thông minh không?”, “Mình thành công không hay thất bại rồi?”, “Mình thắng hay thua?”

Nếu bạn đã từng được khen là THÔNG MINH, bạn sẽ cố gắng để giữ danh hiệu đấy, bạn sẽ ngần ngại trước bất kỳ thử thách nào mà bạn cho rằng mình có thể không làm được, bạn không sẵn sàng thử những trải nghiệm mới mà bạn nghĩ có thể làm tổn hại đến sự “THÔNG MINH” của mình. Các cậu bé lo lắng về danh hiệu thông minh của chúng có thể sẽ sẵn sàng chọn một thử thách dễ hơn khả năng của mình, thà là chịu bị chê trách vì thái độ học tập chứ nhất định không chịu những rủi ro tổn hại cho cái mác thông minh, không muốn đưa ra câu trả lời có khả năng sai, không chịu được cảm giác thất bại.

thành công

Ảnh sưu tầm từ Internet

Một cách nghĩ khác, TƯ DUY PHÁT TRIỂN, tin rằng bạn có thể tác động đến khả năng thành đạt và sự xuất sắc của bản thân thông qua một nỗ lực bền bỉ và tin rằng bất cứ ai cũng có thể thay đổi, tiến bộ và phát triển. Một số người sẽ tiến bộ nhanh hơn người khác trong một số lĩnh vực, một số kỹ năng hay chủ đề. Những người có Tư duy Phát triển tin rằng tiềm năng của con người là không thể đoán được trước và những gì chúng ta có thể đạt được trong tương lai hoàn toàn do nỗ lực của chúng ta làm nên.

Trong khi người có TƯ DUY CỐ HỮU luôn lo ngại bị người khác phán xét, luôn bị ám ảnh là phải chứng minh những khả năng mà họ cho là mình có, rất ngại bị mắc lỗi vì sợ làm xấu đi hình ảnh về năng lực của mình, do đó luôn e ngại những thách thức mới, thì người có TƯ DUY PHÁT TRIỂN chỉ chú ý đến sự tiến bộ, sẵn sàng đương đầu với thử thách vì họ đã phát triển được cho mình những năng lực thích nghi với mọi hoàn cảnh, luôn coi thách thức là những cơ hội để học hỏi, để tiến bộ.

Đừng bắt bản thân liên tục phải chứng minh sự thông minh của mình trong khi bạn có thể sử dụng thời gian và năng lượng đó để học hỏi thêm kiến thức và kỹ năng mới. Đừng sợ làm sai, hãy coi thất bại như một bước tất yếu để dẫn đến thành công và sẵn sàng chấp nhận những thách thức trải nghiệm mới. Hãy phát triển cho mình một Tư duy Phát triển, hãy cố gắng nỗ lực bền bỉ để vượt lên trên bản thân mình chứ không phải tìm cho mình những thử thách an toàn.

Là cha mẹ, bạn có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành tư duy của con bạn, và bạn cần chắc chắn rằng con bạn đang hình thành TƯ DUY PHÁT TRIỂN! Hãy tận dụng cơ hội xây dựng Tư duy Phát  triển cho con bạn ngay từ những việc đơn giản hàng ngày như coi việc mắc lỗi là một điều bình thường của cuộc sống, của quá trình học hỏi và tiến bộ! “Ối, bố/mẹ lại làm sai rồi! Lần sau bố/mẹ sẽ nhớ không phạm lại lỗi này nữa, con nhỉ!”. Chỉ đơn giản vậy thôi!

Tại phần 3 chúng ta sẽ chia sẻ những ý tưởng giúp bạn hình thành Tư duy Phát triển cho con của bạn nhé.

Tiến sỹ Trevor

* Hình ảnh trong bài viết: Sưu tầm từ Internet

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 1)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 3)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 4)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 5)