Thành công hay thất bại? Do tư duy của bạn quyết định cả! (Phần 1)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI?
Do TƯ DUY của bạn quyết định cả!

Xin giới thiệu với quý vị những chia sẻ của Tiến sĩ Trevor Wood – Giám đốc đào tạo của Trường SenTia với chủ đề “Thành công hay Thất bại? Do Tư duy của bạn quyết định cả!”.

Phần 1 trong một sê-ri 6 bài viết sẽ giúp cha mẹ hiểu được nhân tố quan trọng của thành công.

Câu hỏi của phần này: “Ai là người định nghĩa THÀNH CÔNG?  Ai là người định nghĩa THẤT BẠI?

Câu trả lời ngắn gọn cho cả hai câu hỏi trên là: Thành công hay thất bại của chúng ta lại là do người khác định đoạt chứ không phải chính chúng ta.

Trong khi trẻ nhỏ thường đơn giản coi việc mình chưa làm được một việc gì đó chỉ là một trải nghiệm thì người lớn lại đánh giá những nỗ lực trải nghiệm của trẻ theo quan niệm của người lớn về thành công hay thất bại, giỏi hay dốt. Khi được trải nghiệm một kiến thức hay một hoạt động mới, trẻ nhỏ thường xem đó là những cơ hội để khám phá môt điều gì đó mới mẻ, hay ho, thú vị thì những người quan sát bên ngoài lại thích đánh giá những nỗ lực của trẻ theo một tiêu chuẩn nào đó đã có sẵn trong đầu họ.

Người lớn thường tin rằng trẻ thông minh là những trẻ làm mọi thứ nhẹ như lông hồng, không cần phải cố gắng nhiều cũng giỏi hơn các bạn. Cần cù bù thông minh không phải là yếu tố được đánh giá cao trong tiêu chuẩn “thông minh” đó, mà chỉ có chỉ số vua IQ mới là tất cả.

Phải chăng điều đó có nghĩa là chúng ta đã bị mắc kẹt trong khái niệm thành công hay thất bại ngay từ những ngày đầu và bất kể ta có làm gì đi chăng nữa thì cũng không thay đổi được những gì ta sinh ra đã có? Liệu những cố gắng của chúng ta để học những kiến thức mới có thay đổi được “mức độ thông minh” của chúng ta hay không?

Câu trả lời là “Có!”

Thực tế đã chứng minh rằng những trẻ bắt đầu với vị trí những trẻ “thông minh nhất” không nhất thiết sẽ về đích với danh hiệu đó.

Binet, nhà khoa học người Pháp đã thiết kế ra bài kiểm tra IQ, mà mục tiêu ban đầu của nó chỉ là để nhằm xác định những trẻ không tiến bộ trong trường học để nhà trường có thể thiết kế những chương trình học hiệu quả hơn, tin rằng chỉ số IQ hoàn toàn có thể tăng lên được.

Binet viết “một vài nhà khoa học khẳng định rằng chỉ số thông minh là một chỉ số cố định không thể thay đổi được. Chúng ta phải hành động để thay đổi cách nghĩ thiển cận này. Với sự rèn luyện và với phương pháp tốt, chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường khả năng tập trung, trí nhớ, cách lập luận và có thể trở nên thông minh hơn trước kia”.

Rõ ràng chúng ta sinh ra với những bản sắc riêng, có những thiên hướng khác nhau, khả năng khác nhau, bộ gien khác nhau, nhưng nếu để những gien đó phát huy được hết tác dụng thì chúng cần phải có một môi trường sống thích hợp để nuôi dưỡng, khuyến khích khả năng bất tận của chính chúng ta. Ngươc lại, một môi trường liên tục đưa ra những phán xét, định kiến bằng việc gắn mác giỏi hay dốt, thành công hay thất bại sẽ là những rào cản, là giới hạn cho khả năng của mỗi cá nhân.

Thành công hay thất bại, mới nghe thì đó là sự khác biệt to lớn một trời một vực, thế nhưng bạn có biết sự khác biệt đó được quyết định không phải từ bất kỳ một nhân tố khách quan nào mà lại từ chính chúng ta, từ chính TƯ DUY của chúng ta mà ra.

Vậy thì cái gọi là TƯ DUY đó là gì?

Tôi sẽ xin chia sẻ với quý vị thông tin thú vị này ở phần 2.

Tiến sỹ Trevor

* Hình ảnh trong bài: Sưu tầm từ Internet

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 2)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 3)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 4)

THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI? DO TƯ DUY CỦA BẠN QUYẾT ĐỊNH CẢ (PHẦN 5