Dạy trẻ sống có mục tiêu

Vnexpress – Để tìm kiếm, xây dựng mục tiêu cho trẻ, bạn cần biết điều gì là động lực thúc đẩy trẻ nỗ lực và đừng đặt quá nhiều kỳ vọng.

Tìm động lực thúc đẩy trẻ

Cũng giống các thế hệ trước được thúc đẩy bởi mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, trẻ em cần điều gì đó khuyến khích chúng đi xa hơn. Tiến sĩ Caraballo, nhà tâm lý học người Puerto Rico ở Brooklyn, Mỹ, cho rằng để xác định động lực là gì, hãy để trẻ tham gia vào nhiều hoạt động và xem điều gì khiến trẻ thích thú. “Việc của người lớn là quan sát những gì khiến trẻ thu hút, dành cả ngày để làm mà không thấy chán”, tiến sĩ Caraballo nói.

Tuy nhiên, nếu thấy trẻ chán nản, bạn cũng không cần quá lo lắng. Đôi khi, sự nhàm chán cũng là công cụ mạnh mẽ để dạy trẻ sáng tạo, phát hiện thêm một số khả năng mới. Bạn có thể khuyến khích trẻ bắt đầu suy nghĩ dài hạn bằng câu hỏi đơn giản: “Con muốn trở thành gì khi lớn lên?”. Câu trả lời của trẻ có thể thay đôi hàng tháng, thậm chí hàng tuần nhưng đó là cơ hội để bạn thảo luận và thiết lập mục tiêu với trẻ.

Bằng cách giúp trẻ trả lời “Chúng ta có thể làm gì để điều đó xảy ra?”, bạn sẽ giúp trẻ xây dựng mục tiêu, ngay cả khi ước mơ không thực tế. Chẳng hạn trẻ muốn làm siêu nhân, bạn có thể gợi ý cần chơi thể thao, duy trì việc uống sữa hàng ngày để có cơ thể khỏe mạnh.

Nhấn mạnh vào nỗ lực

Nếu bạn muốn trẻ làm theo những gì mong muốn, cần cổ vũ chúng. Đó là cách tốt nhất để xây dựng sự tự tin ngay từ khi còn nhỏ. Veronica Arevalo, doanh nhân người Venezuela ở Tampa, Mỹ, đã yêu cầu con trai 10 tuổi tự tìm cách kiếm tiền mua xe đạp, tham gia vào các cuộc đạp xe cùng bạn bè vào mỗi buổi chiều. Con của cô đã nghĩ ra cách bán bánh mì vào dịp Giáng sinh để có được chiếc xe yêu thích và thành công.

Các chuyên gia cho rằng khi khen ngợi và nhấn mạnh vào nỗ lực của trẻ thay vì kết quả, các em sẽ thấy được đánh giá cao, tăng sự hưng phán để cải thiện kỹ năng theo thời gian.

Khi trẻ lớn hơn, có thể tầm lớp 1-2, bạn có thể triển khai “quy định thu nhập”, chẳng hạn trả công khi trẻ làm việc nhà để cho thấy việc lao động chăm chỉ sẽ nhận được phần thưởng. Xã hội được thiết lập để mỗi người nhận thành quả từ những nỗ lực bỏ ra, do đó bạn nên cho trẻ thấy những việc cố gắng ngay từ nhỏ sẽ là nền tảng của thành công trong tương lai.

Chia sẻ về truyền thống gia đình

Trước hết, bạn cần phân biệt giữa việc chia sẻ về truyền thống gia đình với kể khổ “xưa bố mẹ, ông bà đã khổ như này thì con mới chịu đựng từng đó đã thấm tháp gì”. Việc nói về truyền thống sẽ giúp trẻ hiểu người lớn đã cố gắng như nào để có được hôm nay, công việc hiện tại có đúng với ước mơ của bố mẹ hay không…

Christina Munoz, bà mẹ ba con, 7, 6 và 1 tuổi, ở Anaheim, California, Mỹ thường kể với các con rằng đã học phép cộng và nhân bằng cách hỗ trợ bố, người sở hữu quầy bán trái cây và rau củ, bán hàng. Cô có nhiều câu chuyện làm nổi bật bản lĩnh, sự vượt khó của mình để giúp mình có cuộc sống như bây giờ.

Bằng cách giải thích quá khứ ảnh hưởng như nào đến hiện tại, những đứa trẻ rút ra bài học quý giá, thúc đẩy nỗ lực để giữ vững và tiếp nối những giá trị tốt đẹp của gia đình. Tuy nhiên, bạn không nên nói chuyện này với con một cách quá nghiêm túc theo dạng “Mẹ cần nói chuyện với con” mà nên lồng ghép trong những hoạt động thường ngày hoặc kể cho trẻ trước khi đi ngủ.

Để chỗ cho sai lầm

Thất bại là một phần quan trọng để nuôi dạy những đứa trẻ sống có mục tiêu và tham vọng. Không riêng trẻ, đôi khi chính bạn cũng nhìn nhận sai về thế mạnh, ước mơ của con nên việc đặt nhầm mục tiêu là chuyện bình thường. Hãy hỗ trợ trẻ sửa sai bằng cách giảm kỳ vọng của chính mình xuống thấp nhất có thể, để trẻ không phải gánh vác mong muốn của chúng và cả của bạn