Cùng con trưởng thành trong hạnh phúc (Kì 4)
“Kéo” con vào bếp – Chuyện nhỏ mà không nhỏ
Luật sư Hoàng Nguyên Bình là một trong rất nhiều phụ huynh đã dõi theo và cổ vũ cho sự trưởng thành của SenTia ngay từ những bước khởi đầu.
Làm cha của 2 bạn nhỏ tuổi teen, anh đã “kinh qua” rất nhiều cột mốc, giai đoạn trên bước đường trưởng thành cùng con. Từ nước Đức, anh xin chia sẻ với các bậc phụ huynh SenTia một vài kinh nghiệm và suy ngẫm của mình quanh câu chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ – “kéo” con vào bếp.
Tôi có nhiều người bạn có con biết nấu ăn rất giỏi. Tôi cũng nghe nhiều người nói rằng: “Ôi, hồi bé có biết nấu đâu, lớn lên tự khắc biết làm hết”. Tôi cũng biết nhiều người có quan điểm: “Gọi bọn trẻ làm gì cho vướng chân vướng tay, mình làm tí là xong”. Tôi cũng hiểu nhiều người lập luận: “Trẻ con bận học lắm, thời gian học chẳng có, lấy đâu ra mà nấu với chả nướng”…
Bản thân con tôi, khi những lần đầu gọi con vào bếp, câu trả lời quen thuộc của chúng là: Con đang bận; Con ngại lắm; Con còn phải làm bài tập; hoặc thậm chí ông con trai còn thản nhiên: Nấu ăn có ích gì, sau này con ăn McDonald, KFC…
Vâng, lý do thì rất nhiều, quan điểm thì đa dạng và tất nhiên mọi người đều có lý. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn chia sẻ quan điểm cá nhân về lợi ích của việc rủ con nấu ăn cùng trong cuộc sống hiện đại và bận rộn này.
1. Giúp trẻ có kĩ năng tự chăm sóc bản thân.
Có tiền bạn mua tiên cũng được. Có tiền trẻ có thể tự do ăn uống, tự do mua sắm. Nhưng liệu bạn có đủ tiền để ăn quán suốt cả tháng được hay không? Liệu có thể ăn đồ ăn nhanh suốt đời được không? Câu trả lời chắc chắn là: Không. Vậy hãy học cách nấu ăn để có thể tự xoay sở, tự chăm sóc bản thân khi không có bố mẹ bên cạnh, khi phải sống một mình và xa hơn nữa là biết chăm sóc gia đình nhỏ bé của mình trong tương lai.
Tôi vẫn hay kể cho bọn trẻ một câu chuyện mà tôi đã đọc ở đâu đó về một người Trung Quốc học rất giỏi ở một trường đại học danh tiếng tại Mỹ. Anh ta muốn học lên tiến sĩ, nhưng vị giáo sư và ban lãnh đạo nhà trường đã từ chối sau khi họ phỏng vấn chàng trai sinh viên nọ. Họ đưa ra lý do đơn giản: Kiến thức anh rất tốt nhưng đến tuổi này anh vẫn không biết đập một quả trứng để rán như thế nào thì điều đó không phù hợp với mục tiêu đào tạo của chúng tôi.
Tất nhiên câu chuyện đó có thể là thật mà cũng có thể là ví dụ để minh họa cho việc không biết chăm sóc bản thân thì có thể dẫn đến hậu quả như thế nào. Không ít cha mẹ bao bọc con cái, làm thay con cái tất cả mọi việc khiến cho chúng sống như gà công nghiệp, không biết làm gì. Gấp cái quần, cái áo, dọn cái giường sau khi ngủ dậy cũng không biết cách làm. Đó sẽ là thảm họa cho con và cho chính bố mẹ chứ không phải là điều tốt cho tương lai.
2. Giúp trẻ có kĩ năng khéo léo và học hỏi thêm kiến thức từ thực tế.
Bọn trẻ con nhà tôi, lúc mới đầu cầm con dao còn sợ bị đứt tay; củ khoai tây mà chẳng biết gọt thế nào; dùng đôi đũa để nấu ăn loay hoay; luống cuống vì sợ nóng hoặc sợ bị bỏng; cầm mớ rau muống chỉ ngắt tí ngọn bên trên còn lại vứt đi hết; tên gọi các loại củ quả thường loạn hết cả lên… Đó là chuyện bình thường!
Nhưng khi đã quen thì tay khéo léo lên rất nhiều. Cắt gọt cẩn thận, thậm chí bị đứt tay cũng thấy bình thường không khóc toáng lên như lúc ban đầu. Rửa bát chu đáo và sạch sẽ ít bị vỡ đồ. Kiến thức về sinh học, hàm lượng dinh dưỡng cũng được trải nghiệm qua thực tế. Âu cũng là một cách bổ sung kiến thức vừa vui vừa hiệu quả.
3. Giúp trẻ biết chia sẻ và quan tâm tới người khác.
Bố mẹ đi làm về đã mệt, rồi hùng hục nấu cơm, dọn cơm, gọi con ra ăn cơm, lắm lúc còn đỏng đảnh chưa ra. Ngồi ăn đôi khi còn cảnh vẻ ăn ít ăn nhiều, chê nọ chê kia… Bạn hãy làm điều gì khác đi. Ngoại trừ phải học bài thì hãy GỌI con trẻ vào phụ giúp cơm nước (phải luôn chủ động gọi bọn chúng vì hầu hết đứa nào cũng lười làm việc trong bếp). Ít thì dọn cơm, nhiều thời gian thì nấu cơm cùng bố mẹ. Qua đó giúp trẻ thông hiểu hơn công việc bếp núc, nỗi vất vả của cha mẹ vừa đi làm vừa lo việc gia đình. Rồi một lúc nào đó bạn bất ngờ nhận được câu hỏi đại loại như: Bố/mẹ có cần con giúp nấu gì không? Bố/mẹ hôm nay thích ăn món gì để con nấu?…
Tuy nhiên, để đạt được điều này cần có thời gian và đặc biệt bạn phải biết khen ngợi động viên con trẻ, ví dụ: Con làm tốt lắm; Món này con nấu ngon lắm; hoặc: Con có câu hỏi rất hay; Con có thể giúp bố/mẹ vo gạo, cắm cơm, nhặt mớ rau, thái quả cà chua…
Rèn luyện để trẻ biết tự phục vụ bản thân chúng là điều rất tốt. Nhưng nếu chỉ biết cho bản thân dễ dẫn đến lòng ích kỉ, hẹp hòi. Do vậy, biết nấu cho những người khác cùng ăn sẽ tạo nên một tấm lòng bao dung và biết suy nghĩ, chăm sóc người khác.
4. Giúp trẻ biết lắng nghe và thay đổi
Cắm nồi cơm có thể nhão nhoét như cháo. Nướng cái bánh mì có thể chỗ cháy đen, chỗ chưa chín. Rán quả trứng có thể mặn chát không nuốt nổi… Nếu vì lý do đó mà bố mẹ nản không muốn tiếp tục cho con trẻ làm việc hoặc cho rằng có “mày” trong bếp vướng víu cả chân tay thì đó là một sai lầm không đáng có. Hãy thấy chuyện đó là bình thường, không sao cả. Hãy chủ động có lời động viên khen ngợi, nhưng đồng thời có sự góp ý, hướng dẫn cẩn thận, chi tiết, có phân tích lý do vì sao lại như vậy để lần sau đừng lặp lại.
Qua những buổi như vậy không chỉ trình độ nấu ăn của con trẻ đi lên, nêm nếm vừa vặn hơn mà quan trọng qua đó ta đã giúp con trẻ biết tiếp thu, biết lắng nghe để dần thay đổi tốt lên. Chúng sẽ được làm quen với những lời nhận xét không phải lúc nào cũng “thuận tai”, dù trực tiếp hay gián tiếp. Nói tóm lại là luyện việc ‘‘bị” người khác góp ý, phản hồi và học cách tiếp nhận.
Tương lai của trẻ còn dài phía trước, do vậy bất cứ lúc nào, bất cứ hoàn cảnh nào luyện tập kĩ năng lắng nghe cho con trẻ không phải là điều thừa thãi.
5. Giúp luyện tập kĩ năng làm việc cùng nhau.
Tình trạng chung của các gia đình là con cái mỗi đứa một tính một nết, dù cùng bố cùng mẹ sinh ra, nên ít nhiều thường có sự chành chọe, ganh tị với nhau. Một số bố mẹ ít có thời gian gần con cái hoặc quen kiểu sai bảo con nên đôi khi giữa bố mẹ và con cái có khoảng cách nhất định. Vậy nên sẽ xảy ra tình trạng xích mích, tranh cãi giữa các con trong khi làm việc, kiểu như em muốn làm cái này, tại sao chị không làm việc kia… Hoặc đôi khi con trẻ không đồng ý với cách chỉ đạo của bố mẹ. Vì thế, bố mẹ hãy nhìn nhận việc cùng nhau nấu ăn là cơ hội bố mẹ lắng nghe ý kiến đóng góp của con trẻ, ít nhất trong việc bếp núc, rồi lan dần ra chuyện tâm sự trường lớp, quan hệ bạn bè và cách dối nhân xử thế trong cuộc sống… Do vậy, bố mẹ nấu ăn cùng các con hoặc các con nấu ăn cùng nhau cũng là một cơ hội tốt để hiểu nhau hơn, “giáo dục” lẫn nhau cũng như biết cách phối hợp và phân công trong công việc.
6. Giúp trẻ có ý thức trách nhiệm, bồi đắp tình cảm gia đình.
Bữa cơm là nơi gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình với nhau. Do vậy việc nấu được bữa cơm dù đơn giản nhưng với tôi còn có ý nghĩa hơn là mua được những món sơn hào hải vị ở nhà hàng. Việc cùng nhau chuẩn bị và cùng nhau nấu nướng còn hạnh phúc hơn là mua được những bộ quần áo hàng hiệu hay những món đồ xa xỉ. Điều đó con trẻ chỉ có thể hiểu khi có trải nghiệm làm việc cùng nhau – nấu ăn cùng nhau trong bếp.
7. Khi nào thì nên bắt đầu thực hiện nấu ăn cùng nhau?
Hãy bắt đầu từ khi còn bé, trẻ con sẽ coi nấu ăn là một trò chơi vui vẻ cùng nhau. Phàm một nỗi chúng ta chắc chắn sẽ lười và ỷ lại nếu được phục vụ, chăm sóc tận răng, cơm bưng nước rót hàng ngày. Chính vì vậy thật ít đứa trẻ xung phong nấu ăn hoặc tự giác phụ giúp công việc bếp núc nếu chúng ta không khơi dậy niềm cảm hứng và thậm chí đôi khi là ép buộc.
Do vậy, cứ mỗi lúc bọn trẻ rảnh rang là tôi thường gọi: Đô Đô hoặc Sếu vào đây giúp bố/mẹ nấu cơm. Mới đầu chúng phản ứng, từ chối. Nhưng hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, phù hợp với độ tuổi, và giao ít việc thôi. Rồi dần dần, dần dần tăng khối lượng công việc, tiến đến giao hoàn thành hẳn một việc. Thế rồi lâu lâu trở thành thói quen, thành sự tự giác và khơi dậy tình yêu với công việc bếp núc. Trước mắt, không cần nấu ăn ngon mà hãy biết chế biến món ăn hợp lý.
Tuy nhiên, một nguyên tắc đã gần như được quy định bởi luật pháp nước Đức là trẻ dưới 12 tuổi không được phép một mình nấu nướng nếu không có người lớn giám sát. Tôi nghĩ đó là quy định hay chúng ta có thể học tập, vì trẻ có thể gây nguy hiểm cho bản thân hoặc có nguy cơ làm cháy nhà khi dùng bếp. Từ 14 tuổi trở lên là được phép tự dùng bếp độc lập, tức là tự nấu ăn.
Chính vì vậy, trẻ dưới 12 tuổi có thể tham gia phụ bếp hoặc nấu một số món đơn giản với sự giám sát của người lớn để làm quen với việc dùng bếp và chế biến thức ăn – đây chính là thời gian “chạy đà” cho tới tuổi 14 được độc lập nấu nướng như một người trưởng thành.
Tình yêu đi qua cái dạ dày. Hạnh phúc gia đình khởi nguồn từ gian bếp.
Đó là câu thần chú tôi thường “niệm” mỗi khi cần vận dụng đến sự kiên nhẫn và cả kiên định để giao việc cho bọn trẻ.
Cho đến nay, cuối tuần các con tôi chủ động tham gia nấu ăn cùng bố mẹ là điều đương nhiên. Còn việc tự dọn dẹp mâm cơm, chia nhau rửa bát đĩa; buổi trưa đi học về tự lo bữa ăn của chính mình dựa trên những thực phẩm tự mua ở siêu thị;… là những công việc thường ngày ở “phố huyện”.
Tôi và bà xã YÊN TÂM – HẠNH PHÚC khi nhìn thấy tương lai TRÁCH NHIỆM, TỰ TIN và ĐỘC LẬP của các con.
Xin cảm ơn những chia sẻ đời thực rất quý báu của anh Nguyên Bình. Chúc anh chị cùng các con luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!
Các bố mẹ hãy tiếp tục đóng góp cho “túi khôn” SenTia bằng những kinh nghiệm thực tế của mình trên chặng đường TRƯỞNG THÀNH CÙNG CON nhé!
Hòm thư vanphong@sentiaschool.edu.vn luôn đợi mail của các bố mẹ