Bước vào ngưỡng cửa tiểu học với trái tim hạnh phúc

Chuyện một năm về trước. Trong buổi phỏng vấn đầu vào lớp Một trường SenTia, tôi gặp một cậu bé có mái tóc đen mượt, khuôn mặt thông minh và đôi mắt sáng. Sau bước đầu làm quen, tôi ngỏ ý muốn kể một câu chuyện để thông qua đó có thể tìm hiểu và đánh giá học sinh sâu hơn. Trái ngược với sự hào hứng của tôi, nhắc đến “nghe chuyện”, cậu bé bỗng thu mình lại và hét lên: “Không! Không nghe chuyện đâu!”.

25 năm làm việc với học sinh tiểu học, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy có một đứa trẻ lại không thích nghe kể chuyện. Tuy nhiên, tôi tiếp tục cho con những lựa chọn khác là vẽ tranh, máy tính điện tử và sách. Cậu bé đã chọn vẽ và nhanh chóng hoàn thành ngay một bức tranh. Đó là một bức vẽ không giống cách vẽ thông thường của trẻ con 6 tuổi: nhiều họa tiết kì lạ với những mảng màu tối. Tôi tiếp tục ngỏ ý muốn kể cho cậu bé một câu chuyện khác nhưng lần này tôi thử không cầm sách nữa, mà chỉ dựa vào những gì cậu bé vẽ và kể lại. Thật bất ngờ cậu bé lại chăm chú lắng nghe, bị cuốn hút vào câu chuyện và chủ động chia sẻ về nội dung cũng như cảm xúc của mình.

Sau khi xâu chuỗi nhiều biểu hiện khác nhau, tôi phát hiện ra cậu bé 6 tuổi này mắc một “căn bệnh” mang tên “nỗi sợ học”. Hễ cứ nhắc gì liên quan đến việc học là con “đóng sầm” cánh cửa trái tim mình lại và không mở ra nữa. Chia sẻ với mẹ cậu bé, tôi cho rằng điều này chắc hẳn có một số nguyên nhân, một trong số đó là con đã từng bị “ép học”. Nghe đến đây, người mẹ bỗng bật khóc. Chị nói rằng quả thật đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác trong cách dạy con. Ngay từ nhỏ, do nhận thấy con thông minh và có khả năng tiếp thu nhanh nên đã chuyển con sang một lớp hành trang tiền tiểu học. Ở lớp đó, con phải ngồi học như học sinh lớp Một và bị ép học quá nhiều kiến thức trong một khoảng thời gian ngắn. Việc này kéo dài khiến con ngày càng mệt mỏi và ủ rũ. Cho đến một ngày cậu bé hét lên: “Con không đi học đâu, tại sao con phải đi học?”. Lúc đó người mẹ mới nhận ra con đã bị áp lực của việc học tập không đúng với lứa tuổi đè nén và gặm nhấm như thế nào.

Việc “ép học” có thể dẫn đến việc con bị sợ học ngay khi chưa vào lớp 1
Việc “ép học” có thể dẫn đến việc con bị sợ học ngay khi chưa vào lớp 1

Vậy đấy, thực tế cho thấy rất nhiều cha mẹ yêu con, muốn dành và chuẩn bị cho con những gì tốt đẹp nhất (theo cách hiểu của bố mẹ) nhưng vô hình chung lại “lạc lối” và dẫn đến những hệ quả buồn. Giai đoạn chuẩn bị vào lớp Một là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời trẻ, là giai đoạn mà những tác động dù rất nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến cách tiếp nhận kiến thức, cách tư duy và thái độ đối với việc học của trẻ một cách lâu dài.

Ở giai đoạn này, bố mẹ và thầy cô đừng đặt mục tiêu là con cần học thật nhiều chữ hay cần tính toán thật nhanh. Đừng đo đếm năng lực của con bằng biểu hiện “đọc vanh vách” hay “tính toán nhoay nhoáy”. Ưu tiên cao nhất lúc này là CON THÍCH HỌC – CON THÍCH HỌC và CON THÍCH HỌC! Cũng như tất cả những người lớn khác, khi đã có thái độ tích cực với một việc gì đó, một cách tự nhiên, chúng ta sẽ dành nhiều thời gian, năng lượng, tâm trí để làm tốt việc đó. Hãy thử hình dung một đứa trẻ được đặt trong môi trường luôn khích lệ, nuôi dưỡng tình yêu học tập và tư duy cởi mở, được khuyến khích tưởng tượng, ước mơ, và hơn hết là được được tôn trọng, được dẫn lối giữa yêu thương và kỷ luật – những hạt mầm tiềm năng trong đứa trẻ ấy sẽ đâm chồi, nảy rễ nhanh đến chừng nào, và đứa trẻ ấy sẽ hạnh phúc đến chừng nào!

Đối với những trẻ “sợ học”, để lấy lại được tình yêu dành cho việc học là cả một quá trình gian nan mà thầy cô và gia đình phải đồng hành cùng con. Về phía gia đình, bố mẹ cần thực sự dành nhiều thời gian chất lượng cho con: chơi cùng con, đọc sách cùng con,… Đọc ở đây không chỉ là đọc những cuốn sách mang tính giáo dục, mang những nội dung đạo đức khô khan, mà đôi khi chỉ là những câu chuyện thật gần gũi, có phần “ngây ngô”, “nhố nhăng” một chút để con cười, bố mẹ cười, và cả gia đinh cùng hòa trong niềm vui. Trong quá trình đọc bố mẹ đừng quên khai thác tư duy của con, sự phán đoán của con, cảm xúc của con. Ví dụ: “Vậy là anh chàng bán mũ rong đã bán được mấy chiếc mũ nhỉ?”, “Con đoán xem chú mèo sẽ làm gì tiếp theo nào!”  hay “Con có thích chuyện kết thúc khác đi không? Mẹ con mình cùng nghĩ ra một cái kết khác nhé!”,… Đặc biệt quá trình này sẽ phát triển mối liên kết bền chặt giữa bố mẹ và con cái. Khi bố mẹ có thể dành những khoảng thời gian chất lượng cho con, con sẽ luôn cảm thấy được yêu thương, chăm sóc và trân trọng.

Những ánh mắt háo hức của các bạn nhỏ khi tự mình khám phá thế giới kiến thức trong các giờ học demo tại Trường SenTia
Những ánh mắt háo hức của các bạn nhỏ khi tự mình khám phá thế giới kiến thức trong các giờ học demo tại Trường SenTia

Để chuẩn bị cho con hành trang tốt nhất khi bước vào Lớp Một, bố mẹ chính là những người đóng vai trò chủ chốt. Và sự  chuẩn bị này cần được bắt đầu ngay từ khi con còn nhỏ – một trái tim yêu thương, một tâm thế sẵn sàng học hỏi, một tinh thần khám phá thế giới và những thói quen ứng xử tốt. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn từ 0 – 7 tuổi, được xem như giai đoạn “đóng dấu”. Giai đoạn mà tất cả những lời nói, cử chỉ, hành động của bố mẹ và môi trường xung quanh đều sẽ “đóng dấu” lên con. Nếu bị tác động tiêu cực, đứa trẻ sẽ mang những dấu ấn xấu đó theo suốt cuộc đời và phải rất nỗ lực, vật lộn để vượt qua hoặc thậm chí khó có thể thoát ra được. Một đứa trẻ chưa đi học đã sợ học, hoặc luôn nghĩ mình “dốt”, hoặc thờ ơ, không còn muốn đặt câu hỏi “Tại sao”, “Như thế nào”, …  – việc “chữa lành” cho đứa trẻ ấy sẽ cần rất nhiều hơn nữa thời gian, tâm trí và sự kiên nhẫn, yêu thương từ cha mẹ, thầy cô, để con có thể dần dần dũng cảm thoát ra khỏi “vỏ bọc” của chính mình. Liệu chúng ta có thể kiên nhẫn nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn với những đứa trẻ đang cần dành tặng sự kiên nhẫn và yêu thương?

Trước khi bước vào lớp Một, các bạn nhỏ cần được trang bị một trái tim yêu thương, một tâm thế sẵn sàng học hỏi, một tinh thần khám phá thế giới và những thói quen ứng xử tốt.
Trước khi bước vào lớp Một, các bạn nhỏ cần được trang bị một trái tim yêu thương, một tâm thế sẵn sàng học hỏi, một tinh thần khám phá thế giới và những thói quen ứng xử tốt.

Đối với những bạn nhỏ có vấn đề về tâm lý và ngôn ngữ  trước khi vào lớp Một, bố mẹ cần đồng hành cùng con thiết lập lại môi trường “chuẩn” và không tạo cho con có cảm giác bị kì thị vì sự khác biệt của mình. Trẻ em khi bị “đóng dấu” và “noi gương” những điều xấu thì sự thay đổi phải đến từ gốc rễ. Bản thân bố mẹ phải hiểu được cái gì mới là mục tiêu thật sự quan trọng và dài lâu, có chiều sâu cho việc học; hiểu rằng cái gì cũng cần thời gian và khoảng thời gian này là có sự khác nhau giữa những đứa trẻ.

Lựa chọn của bản thân đã khiến tôi gắn bó với lũ trẻ tiểu học hơn 25 năm qua, tôi hiểu những gì mà người thầy cần trao cho tụi nhỏ khi chúng chưa thành công không phải là những cái liếc háy, tằng hắng sắc lạnh, không phải sự chê bai, càng không phải là tiếng quát nạt, mà chính là  bao dung và nhẫn nại, yêu thương và động viên. Là kiềm chế sự kỳ vọng của bản thân và hiểu rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, điểm mạnh khác nhau và điểm yếu cũng khác nhau,  với tốc độ phát triển không hề giống nhau. Là kiên nhẫn chờ tụi nhỏ cựa mình vươn tới sự hoàn thiện. Là nắm chặt tay tụi nhỏ trên hành trình vượt lên chính mình. Là giữ vững niềm tin rằng đến lúc con sẽ làm được, sẽ đi từ xấu hổ đến tự tin, rồi từ tự tin đến tự hào về bản thân.

Điều mà những đứa trẻ cần chính là sự bao dung và nhẫn nại, yêu thương và động viên của bố mẹ
Điều mà những đứa trẻ cần chính là sự bao dung và nhẫn nại, yêu thương và động viên của bố mẹ

Ngẫm sâu xa, điểm xuất phát của hành trình vươn đến sự xuất sắc trong tương lai đôi khi lại bắt đầu từ chính những ngày đầu tiên, khi con có thể bước vào trường học với một trái tim cởi mở và hạnh phúc, khi con được yêu thương, được khuyến khích cổ vũ tích cực đối với trí tò mò, được đặt ra các thử thách vừa sức, hợp lý, được định hướng và nuôi dưỡng nhân cách để mang theo những hành trang đó đến suốt cuộc đời.

Hoàng Thị Mai Phương

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học SenTia